Dân tộc La Ha còn được gọi với một số tên khác nhau như: La Ha, Klá, Phlạo, Xá Cha, Xá Bung, Xá Khao, Xá Táu Nhạ, Xá Poọng, Xá Uống, Bủ Hà, Pụa. Theo kết quả điều tra dân số năm 1999, tổng số người La Ha tại Việt Nam khoảng 5.686 người sinh sống ở huyện Mường La (Sơn La) và Than Uyên (Lai Châu). Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Ðai, (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).
Chuyện xưa kể rằng, người La Ha có một quyển sách xem ngày tháng nhưng bị một con trâu vô tình ăn mất. Từ đó, công việc và cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn do không còn biết phân biệt ngày tốt, xấu. Người La Ha liền mổ con trâu kia để lấy lại quyển sách, nhưng không thấy nên đã quyết định lấy chiếc xương sườn của nó để khắc lịch.
Ngược theo sông Nậm Mu, chúng tôi vào xã Tà Mít (Than Uyên – Lai Châu ) đi tìm “báu vật La Ha” độc nhất vô nhị ven trời Tây Bắc.
Ông thầy mo còn phép tính lạ
Dãy Hoàng Liên Sơn vắt ngang Tây Bắc đầy rẫy những cung đường huyền bí. Người ta đồn rằng người La Ha ở bản Sài Lương (xã Tà Mít, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn có bộ lịch bằng xương trâu nhưng những thổ dân vùng Hoàng Liên Sơn cũng chỉ mới nghe nói chứ chưa ai thấy dù chỉ một lần. Trước năm 2000, muốn vào Tà Mít khám phá thủ phủ của người La Ha thì chỉ còn cách dùng thuyền độc mộc vượt con đường độc đạo ghềnh sóng nước Nậm Mu dài hơn 40 km.
Hôm chúng tôi vào tới bản Pắc Muôn, bản cửa ngõ của xã Tà Mít hỏi thăm thì dân bản dẫn đến nhà thầy mo Hoàng Văn Ín. Ông Ín tiếc nuối kể rằng: Trước khi bố ông (cũng làm thầy mo) qua đời, ông chưa kịp học cách xem lịch thì bố ông đã mang bộ lịch ấy làm đồ tùy táng.
Chúng tôi tiếp tục vuợt gần 10 cây số đường rừng, vào bản Sài Lương, nơi người dân La Ha cho biết còn bộ lịch cuối cùng và cũng còn sót lại thầy mo Hoàng Văn Păn, là người cuối cùng biết xem lịch. Theo các già làng nguời La Ha, nguời xem đuợc bộ lịch sừng trâu xưa nay chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thường là các thầy cúng của bản, ngay cả những nguời ở bản từ khi sinh ra cho tới bây giờ cũng chỉ nghe bảo có bộ lịch như thế chứ chưa thấy bao giờ.
Đến bản Sài Lương cũng phải chờ đợi trong thấp thỏm suốt 3 ngày ròng vị “pháp sư” Hoàng Văn Păn mới từ nương trên rừng sâu về. Biết khách đường xa đến tìm mình chỉ vì bộ lịch, ông bảo: “Tao tặng cho cán bộ văn hóa rồi. Dạy mãi mà mấy đứa con có học được đâu, rồi chết đi nữa thì không có người dùng, người biết xem nên đưa cho cán bộ cầm về nghiên cứu thêm”.
Chiếc lịch xương sườn trâu có trong cộng đồng người La Ha từ khi nào ông Păn cũng không biết. Chỉ biết ông được bác ruột truyền lại, tính đến nay nó đã gắn bó với ông hơn 30 năm. Dù đi bất kì đâu, khi lên nương hay đi làm lễ cúng trong bản ông cũng mang theo nó.
Bộ lịch là chiếc xương sườn trâu, chiều dài 30 phân, rộng hai phân, cong theo hình chiếc lá, trên lịch ghi những kí hiệu cụ thể để đoán định ngày xấu tốt, ngày cưới hỏi, làm nhà… Hiện giờ tuy không còn lịch sườn trâu, nhưng ông Păn vẫn nhớ từng đốt khắc trên bộ lịch. Cả bộ lịch có mười đốt, mỗi đốt 3 vạch tuơng ứng với 30 ngày trong tháng. Theo ông Păn thì, ngày tốt trên bộ lịch ghi là ngày con Rồng, vào ngày này có thể gieo lúa, làm nhà cưới vợ….
Ngoài bộ lịch sườn trâu thì thầy cúng Hoàng Văn Păn còn có bộ thẻ bói 30 chiếc đũa. Bọn tôi hỏi xem, ông bảo: “Khi dân bản cần hoặc trong bản có sự việc trọng đại thì ông mới dùng." Năn nỉ mãi ông thầy mo khó tính mới chịu làm phép bói với 30 chiếc đũa để được mục sở thị. Nhìn những chiếc đũa cứ thoăn thoắt nhảy múa trên tay ông thầy mo cho tới khi có những chiếc đũa bị rơi xuống cũng chính là quẻ tương ứng với những điều tốt, điềm xấu của người được xem.
Văn hóa La Ha đang bị mai một
Mãi đến những năm 70 của thế kỷ 20 người La Ha mới chọn cho mình vùng đất ở thượng nguồn sông Tà Mít để làm chốn định cư. Theo ông Chẻo Văn Diết, cán bộ Ban định canh, định cư của tỉnh Lai Châu từ những năm 70 cho biết: Khi ông được cử vào Tà Mít để vận động người La Ha định canh, định cư và trồng lúa nước thì người La Ha được nhân dân các dân tộc ở Tây Bắc gọi là người Xá Lá Vàng (Xá Lá Vàng theo tiếng Thái có nghĩa là dân tộc du canh, du cư, dựng nhà ở bằng lá rừng cho đến khi lá vàng đi thì lại di cư sang vùng khác và dựng nhà mới). Cũng theo các thư tịch cổ và truyền thuyết vùng Tây Bắc thì người La Ha xuất hiện ở vùng Tây Bắc Việt Nam khá sớm, vào khoảng vào thế kỷ X.
Ngày nay, trong các nghi thức cúng bản, cúng mường của người Thái ở Mường Than còn có tục giết trâu trắng để tưởng nhớ đến thủ lĩnh người La Ha là Ăm Poi đã có công khai phá cánh đồng Mường Than.
Trong chuyến hành trình đi qua 7 bản của người La Ha ở thượng nguồn sông Nậm Mu xã Tà Mít đều được nghe các già bản kể về các phong tục lạ của người La Ha như: Lễ cúng bản, cúng rừng thiêng, lễ ăn cơm mới, các bài dân ca, nhạc vũ…. nhưng ngày nay đã không còn nữa. Ông Hoàng Văn Sen, một thầy cúng trong bản Sài Lương, cùng người cháu của mình dẫn chúng tôi vào tận khu rừng cấm. Những lối mòn lên rừng rất nhiều, nhưng rất ít củi mục. Ông bảo: “Dân bản không đuợc chặt cây lớn trong rừng, chỉ đuợc lấy củi mục, khi những cành khô gãy rời thân cây”. Những cành củi mục trong khu rừng đuợc coi là “lộc” mà các vị thần người La Ha ban phát… Lâu rồi dân bản không tổ chức cúng rừng cấm nữa và bây giờ những người lạ như chúng tôi cũng có thể đặt chân vào.
Trong cuộc gặp gỡ lịch sử của người La Ha ở Tà Mít (Than Uyên – Lai Châu) và người La Ha ở Mường La (Sơn La) tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 7/2005 với chủ đề "Chúng tôi là người La Ha", họ đã trình diễn các nét văn hóa độc đáo như thêu thùa dệt vải, đan lát, xem lịch xương trâu…. Nhưng qua sự điền dã của chúng tôi ở Tà Mít vào tháng 10/2008 thì những nét văn hóa ấy giờ chỉ còn trong ký ức của người già và không xuất hiện thường xuyên trong sinh hoạt của người La Ha nữa.
Lần theo vết dấu bộ lịch thì chúng tôi được biết: Hiện nay lịch sườn trâu hiện đang trong kho bảo quản của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam . Mọi thông tin về chiếc lịch này hiện nay chỉ được thể hiện rất ít ỏi bằng những dòng số kí hiệu do Bảo tàng ghi lại để đánh dấu mẫu vật khi lưu trữ. Muốn hỏi thêm thông tin thì chị Nguyễn Thị Sang, phòng Bảo quản của Bảo tàng cho biết: “Do không có hồ sơ lưu, nên hiện vật hiện nay vẫn không có thông tin gì”.
Chúng tôi rời Tà Mít mà những bí ẩn về cách chế tác cũng như cách sử dụng bộ lịch xương trâu của người La Ha vẫn còn chưa được giải mã. Thiết nghĩ, lịch xương trâu là một viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, vì thế nó cần phải được quan tâm gìn giữ cho người La Ha hôm nay và mai sau.
Trai La Ha muốn cưới được vợ phải ở rể
Theo tục lệ, con trai La Ha bây giờ muốn chính thức cưới được vợ vẫn phải đi ở rể, nhưng chỉ theo hình thức vài tuần đến vài tháng chứ không lâu như trước.
“Bản thân ta ngày xưa phải ở rể đúng 12 năm mới được phép đón vợ về nhận tổ tiên, nhập dòng họ...” - nâng chén rượu ngô sóng sánh, già Lò Hương, 86 tuổi ở bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) kể về tục dựng vợ gả chồng đã có ở nơi đây tự ngàn đời...
Quan niệm của người La Ha rất khắt khe về hình thức hôn nhân một vợ, một chồng, đàn ông không được phép đa thê, khi đã thành gia thất rồi thì "cái bụng chỉ nhớ đến vợ, không có quyền ưng một người phụ nữ nào khác". Có lẽ chính xuất phát từ cái "lý La Ha" ấy mà tập tục buộc đàn ông phải ở rể nhiều năm trước đám cưới chính được đặt ra. Trong bản, khi sơn nam, sơn nữ đến tuổi cập kê, họ được tự do tìm hiểu nhau, cha mẹ và những người lớn cả hai bên không can thiệp dưới bất cứ hình thức nào.
Công đoạn chinh phục xong xuôi, chàng trai về báo với cha mẹ mình để chọn ngày, cử người sang nhà gái dạm hỏi ("cơi poóng"). Lễ hỏi của người La Ha không cầu kỳ nhưng bắt buộc phải có hai thứ đó là một khoản tiền lễ gọi là "nang khả pom" (giá đầu người) để trả ơn bố mẹ vợ đã có công sinh ra, nuôi lớn cô gái và một mâm trầu. Nhà gái ưng thuận sẽ cử người có uy tín trong họ tộc ra tận đầu cổng để đón thông, dẫn vào giữa nhà làm lễ nhận trầu đồng thời đưa áo của cô gái cho bên nhà trai về xem bói. Sau lễ dạm hỏi 5 ngày, nếu nhà gái không trả lại trầu cho nhà trai có nghĩa là họ đồng ý và 10 ngày kế tiếp, người con trai sẽ đội lễ đến để bắt đầu ở rể làm công cho bố mẹ vợ.
Luật tục quy định rằng, khi ở rể chàng trai phải làm tất cả những gì nhà vợ giao và chỉ nghỉ khi vợ cho phép, bù lại anh ta sẽ được làm lễ cho phép chung chăn, chung gối để đêm đêm được ngủ cùng vợ dù chưa làm lễ cưới chính thức.
Thời gian ở rể không hạn định, có thể là 4 năm, 8 năm, cũng có gia đình là 10 năm hoặc 12 năm, chỉ khi nào bố mẹ vợ động lòng cho phép cưới, chàng rể mới về nhà mình báo tin để chuẩn bị làm lễ "thu mạ phu" (đám cưới chính), xin phép đón cả vợ và con về ở nhà mình. Sau lễ cưới chính thức, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng có chẳng may qua đời.
Du lịch, GO! - Theo VNP, Tindulich, internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment