Người dân đi săn nấm mối phải dậy từ lúc trời còn khuya, xách đèn đi dò tìm khắp nơi trong vườn và “xí phần” – lấy 1, 2 tàu lá dừa phủ lên hay cắm một đoạn cây vào đó làm dấu hiệu để mọi người biết đây là nơi đã có chủ.
Mỗi năm, thời điểm từ khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào mùa nấm mối. Thứ nấm trời cho này nếu ai đã từng thưởng thức, chắc khó mà quên được hương vị độc đáo của nó.
Mùa săn nấm mối
Khi xuất hiện những đám mưa nặng hạt kéo dài vài ngày thì trời chớm nắng – cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc. Mùa nấm mối kéo dài từ khoảng đầu tháng 5 đến nửa tháng 6 âm lịch hàng năm, rộ nhất vào đầu tháng 6.
Đây là loại nấm tự nhiên, con người không thể trồng được và thường xuất hiện gần những tổ mối đất trong vườn. Loại mối này làm tổ nơi đất cao ráo, có nhiều cây mục.
Khi trời mưa dầm kéo dài nhiều ngày, loại mối này tiết ra một chất men xung quanh tổ, đến khi trời nắng thì nấm từ những nơi này sẽ mọc lên thành từng đám, có khi kéo dài vài mét.
Biết được đặc điểm này, người dân đi săn nấm mối phải dậy từ lúc trời còn khuya, xách đèn đi dò tìm khắp nơi trong vườn. Có điều, nấm mối thường mọc lại hay mọc xung quanh nơi mà năm trước đã có nên dễ tìm. Nấm mối ngày đầu mọc chỉ nhỏ bằng hạt tiêu, đầu nhọn vừa nhú trên mặt đất, người dân gọi đó là “núm nứt đất”.
Nấm cỡ này chưa thể nhổ, nên người nào phát hiện sẽ “xí phần” – lấy 1, 2 tàu lá dừa phủ lên hay cắm một đoạn cây vào đó làm dấu hiệu để mọi người biết đây là nơi đã có chủ. Chứ không như phải mắc võng canh cây sưa.
Không tới hai ngày nấm đã nhô khỏi mặt đất, cao khoảng 3 – 4 cm nhưng nấm chưa nở. Đến hết ngày thứ hai nấm mới bắt đầu nở, đây là lúc thu hoạch tốt nhất và dùng làm thức ăn ngon nhất. Đặc biệt, nhổ nấm không được dùng dao hay bất cứ thứ gì bằng kim loại, vì người dân cho rằng, nấm nghe hơi dao sắt mùa sau sẽ lặn mất, không mọc nữa, nên những chỗ đất cứng dùng que tre, que gỗ để bới gốc nhổ nấm.
Đi săn nấm, hái nấm có nhiều chuyện ly kỳ, có người kể rằng: Ai “nặng vía” không thể nào tìm được nấm mối, nếu có đi ngang chỉ có giẫm lên mà thôi, còn người “nhẹ vía” có thể tìm được rất nhiều. Hoặc những người nào mà không ăn được nấm mối có thể đánh hơi được mùi nơi có nấm mọc.
Món ngon của trời
Nấm mối hái về chỉ cần ngâm nước muối và rửa sạch đất bám trên nấm bằng vòi nước đang chảy, rửa phải nhẹ tay tránh không để nấm bị vỡ hay bị nhào sẽ mất chất ngọt. Loại ngon nhất là nấm vừa nở vào buổi sáng – rất tươi, thân nấm săn chắc; loại lý tưởng nhất để chế biến các món ăn.
Thứ nấm không trồng được nên nhiều khi có tiền cũng khó mà mua. Nấm mối được xem là đặc sản quý, hiếm của vùng quê. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối làm được nhiều món ngon, bổ dưỡng như, xào mỡ, um lá cách, làm nhân bánh xèo, nấu canh với các loại rau…
Mỗi năm vào tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ở vùng nông thôn, gia đình thường sum họp dòng họ, con cháu lại đổ bánh xèo ăn chơi. Nhất là thời điểm này đã vào mùa nấm mối. Bánh xèo nhân tôm đất, đậu xanh, nấm mối thơm ngon đáo để; ăn cùng rau vườn nhà, ai đã thưởng một lần sẽ nhớ mãi. Dân “lai rai” coi nấm mối là thượng hạng, chỉ cần xào với mỡ để giữ nguyên vị ngọt và mùi thơm của nấm mà không cần phải thêm thịt, cá…
Nấm vừa chín cho hành vào nhắc xuống ngay, rắc thêm tiêu vậy là hả hê nhâm nhi món trời cho này. Ngoài ra, nấm mối còn được nấu cháo cá, cháo thịt, cháo gà… Nhưng ngon nhất là cháo cóc nấu nấm mối.
Buổi chiều quê, mưa lất phất, cóc phóc ra kiếm ăn. Bắt cóc, làm thịt thật sạch, bỏ hết toàn bộ nội tạng chỉ lấy phần thịt bằm nhuyễn đem nấu cháo thật nhừ rồi cho nấm mối vào. Theo dân gian, ăn cháo cóc nấm mối lúc còn nóng với hành, tiêu là món có nhiều vị thuốc, lợi cho sức khoẻ, trẻ con ăn sẽ tránh được bệnh còi xương, thanh nhiệt; còn người lớn ăn thì… sung.
Ngoài ra, món canh tập tàng nấu với nhiều loại rau ngót, rau má, rau dền, lá cách… trong vườn cùng nấm mối thì thôi khỏi phải chê.
Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment