Friday, June 1, 2012

Chơi sông Vĩnh Điện

Gần đây, trong lúc chủ trương khơi thông dòng chảy con sông lấp Cổ Cò nối Đà Nẵng và Hội An dọc bờ biển chưa tiến hành được, thì một vài công ty lữ hành đã bắt tay khảo sát tuyến du lịch đường sông từ Đà Nẵng đến Điện Bàn rồi xuôi theo vùng hạ lưu Thu Bồn đến phố cổ.

Đây là tuyến sông đào Vĩnh Điện đã có gần 200 năm tuổi, kể từ thời vua Minh Mạng. Tuyến vận tải đường sông này, trong lịch sử đã có những đóng góp không nhỏ về kinh tế từ khi cửa biển Hội An bị bồi lấp, tàu buôn nước ngoài phải vào lấy hàng ở cửa Hàn… Với gần 30 km, sông Vĩnh Điện bắt đầu từ làng Câu Nhí bên dinh trấn Thanh Chiêm xưa, qua các địa danh Tứ Câu, Cẩm Sa phía bắc Quảng Nam rồi nhập vào sông Cái, sông Cẩm Lệ thuộc địa phận Đà Nẵng trước khi chảy ra sông Hàn.

Cũng như sông Trường Giang ven biển phía nam Hội An, sông Vĩnh Điện luôn có dòng nước trong xanh chảy qua nhiều làng mạc trù phú và các di tích lịch sử như dinh trấn Thanh Chiêm, thành La Qua, lăng mộ nhà cách mạng Phan Thành Tài ở phía nam và các khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, Non Nước, làng cổ Cổ Mân sát Đà Nẵng.

Theo Đại Nam nhất thống chí và các tài liệu cũ, Vĩnh Điện hà trước đây là con lạch nhỏ hẹp, năm 1824 vua Minh Mạng cho đào nới rộng ra, từ Câu Nhí đến làng Cẩm Sa dài 850 trượng, đặt tên là sông Vĩnh Điện. Đến năm 1825, nhà vua lại sai thống chế Trương Đăng Minh lấy 8.000 dân phu đào chỉnh lý đường sông cho thẳng, mở rộng cửa sông để lấy nước từ Thu Bồn.

“Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía nam kinh kỳ..., phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc sức dân đâu”, vua Minh Mạng từng ra dụ cho các quan trong vùng. Ông còn nhiều lần đích thân kiểm tra tiến độ, chém đầu viên quan ăn chặn khẩu phần của dân phu.

Tương truyền, khi đi thị sát, do tình hình căng thẳng, một ngày nhà vua đã ăn đến 100 miếng trầu! Nhờ vua kiểm tra, đốc thúc, động viên tận nơi, sau 2 tháng thi công, sông đào Vĩnh Điện đã hoàn tất, nhà vua lại sai đem bò rượu đến khao thưởng quan dân.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua sai đúc 9 cái đỉnh đồng, gọi là cửu đỉnh để “khắc các hình tượng núi, sông, và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”. Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9 như 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim, hoa, thổ sản; Vĩnh Điện hà đã được khắc trên Dụ đỉnh cùng với các sông đào khác như kinh Vĩnh Tế ở Nam bộ, sông Cửu An ở Hưng Yên, sông Vệ ở Quảng Ngãi... Chính nhờ đó, trong ca dao xứ Quảng ngày nay vẫn còn truyền tụng câu: Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng/Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu…

Theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân, sông đào Vĩnh Điện còn gắn liền với những chiếc ghe bầu chở hàng hóa từ Hội An ra Đà Nẵng, đặc biệt là hai loại đường cát trắng và quế. Lượng xuất khẩu những năm cao điểm như năm 1842 là 1,4 triệu cân đường cát và 20.000 cân quế được chở thẳng sang Batavia (nay là Jakarta) và Tambalang (Indonesia), Malaysia -Singapore, Luzon (Philippines)...

Ngày nay, tuyến sông này là mạch giao thông vận tải đường sông chính vận chuyển nguyên vật liệu như than từ Nông Sơn, cát sạn từ sông Thu Bồn về thành phố Đà Nẵng…

Tuy là sông đào, nhưng Vĩnh Điện có dòng chảy ổn định, rộng từ 80 - 150 m, sâu bình quân 1,5 m, mỗi năm đã có khoảng trên dưới 1 triệu tấn hàng hóa qua lại. Ngoài những làng mạc trù phú, những cánh đồng lúa, hai bờ sông Vĩnh Điện còn có những lũy tre xanh, soi bóng, đẹp đến hút hồn với những ai mê cảnh đẹp quê hương…

Tiến sĩ nho học Trần Đình Phong (1847-1920) từng làm Đốc học Quảng Nam, Quảng Ngãi, là thầy dạy của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang, Phạm Tuấn, Phạm Liệu… và là tác giả bài Quảng Nam tỉnh phú nổi tiếng, khi nói đến Vĩnh Điện, La Qua:

Làng La Qua là nơi tỉnh lỵ, dinh thự nguy nga,
Xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường, cửa nhà đồ sộ
Miếu thờ thánh, đền thờ thần, đồn bảo giữ gìn mọi nẻo.
Sứ có quán, thương có cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu.
Thành trì hùng tráng phiên châu, dấu tích đổi thay cõi vũ…

Do vậy, du lịch sông nước trên sông đào Vĩnh Điện, trước khi đến phố cổ Hội An, không có gì bằng là dừng chân ở thị trấn Vĩnh Điện để đến thăm dinh trấn Thanh Chiêm, thành La Qua nằm ngay cạnh bờ sông Vĩnh Điện, nơi từng là thủ phủ xứ Đàng Trong, nơi phát nguồn chữ Quốc ngữ và hiện có làng đúc đồng Phước Kiều, phố bò tái (bê thui) Cầu Mống nổi tiếng…

Du lịch, GO! - Theo Trương Điện Thắng (Thanhnien), ảnh internet

Link to full article

No comments:

Post a Comment