Trên dòng chảy sông Hương, trong hình sông thế núi, trong tiến trình lịch sử, cả trong đời sống văn học và tâm linh, xã Thủy Biều, thành phố Huế, có một vị trí đặc biệt ít được nhận biết để tìm hiểu, nhận thức và có chiến lược khai thác một cách hiệu quả trong đời sống đương đại.
Là một trong 5 xã ngoại thành, nằm ở rìa Tây - Nam thành phố, ba bề bao bọc bởi sông Hương, phía Đông giới hạn bởi đường Huyền Trân công chúa, tiếp giáp xã Thủy Xuân, không một địa danh nào của thành phố Huế có được ưu thế tiếp cận dòng sông này từ nhiều góc độ khác nhau, từ chiều rộng đến chiều cao - xét về góc nhìn thị giác - phong phú đến như vậy.
Thủy Biều rộng 657,3 ha, dân số 9.673 người(1), gồm 7 thôn:
1/ Long Thọ - 2/ Trường Đá - 3/ Đông Phước 1 - 4/ Đông Phước 2 - 5/ Trung Thượng - 6/ Nguyệt Biều - 7/ Lương Quán.
Chiều Đông - Tây trung bình 3550m, chiều Nam - Bắc trung bình 1850 m, địa hình và thổ nhưỡng chủ yếu là bãi bồi do quá trình vận chuyển vật liệu của sông Hương bồi đắp mà thành. Cao độ trung bình biến động từ 5 đến 8 m. Về phía Đông, giới hạn bởi hệ đồi thấp, kéo dài theo hướng Bắc - Nam từ đồi Long Thọ đến đồi Vọng Cảnh, cao độ từ 23 đến 29 m. Đặc biêt, phía Đông - Nam, dãy đồi ven sông Hương có độ cao biến động từ 42 đến 57 m(2). Khu vực này có một địa danh nổi tiếng nhờ vào cái nhìn tinh tế của người Pháp: “Belvédère”(3).
“Belvédère” nằm trên đồi Vọng Cảnh, một địa điểm để chiêm ngưỡng sông Hương cuốn hút du khách khi đến Huế, và cũng từng gây sóng gió trong dư luận cả nước về một ý tưởng có phần vội vã trong chủ trương đầu tư.
Xung quanh Thủy Biều là một vành đai danh lam thắng cảnh và các công trình nổi tiếng cố đô. Ngoài sông Hương huyền thoại chảy vòng quanh xã - và lại chính là khúc quanh đẹp nhất - trong địa bàn xã đã có đồi Vọng Cảnh, gần đấy là lăng Tự Đức. Bên kia sông, từ đồi Vọng Cảnh nhìn sang là điện Hòn Chén nổi tiếng.
Cũng bên kia sông, Văn Miếu, Võ Miếu và danh thắng Thiên Mụ, còn bên này sông là Long Thọ cương, hai địa danh từ lâu đã đi vào ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ cương”. Trên bờ tả ngạn sông Hương kéo dài từ điện Hòn Chén đến Văn, Võ thánh là địa phận của hai xã Hương Hồ, Ngọc Hồ xanh mướt tre cau soi bóng xuống lòng sông.
Làm nền cho cảnh quan thanh bình ấy là trập trùng những rừng thông như sóng nhấp nhô kết thúc tầm nhìn với núi Kim Phụng sừng sững trấn giữ một phương trời. Ngay trên địa bàn xã còn nhiều di tích chưa được khai thác đúng mức: Hổ quyền, Điện Voi ré, Thành Lồi... cần được đánh thức để sớm đưa vào sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch.
Ngay cả nhà máy xi măng Long Thọ hiện nay, một cơ sở công nghiệp già nua, cũ kỹ đang ngày đêm phun khói lên nền trời thành phố, đã đến lúc cần sớm được di dời. Địa điểm này hoàn toàn có thể dành cho một khách sạn du lịch tầm cỡ bên bờ sông Hương mà về mặt văn hóa, cảnh quan, chắc chắn ưu việt hơn một nhà máy nhỏ đang làm nhiễm bẩn không chỉ bầu không khí trong lành mà còn làm vẩn đục cả cảnh quan thơ mộng của sông Hương. Còn về kinh tế, nếu so sánh kỹ, thu nhập tổng thể chắc gì đã thấp hơn giá trị sản lượng mà nhà máy này đang đóng góp?
Trong quá trình tồn tại và phát triển, Nguyệt Biều, Lương quán (2 trong số 7 thôn của Thủy Biều) đã hiện hữu trong một câu ca xưa đầy bí ẩn: “Bất thực Lương Quán kê/ Bất giao Nguyệt Biều hữu…?” trong “tứ bất…” đang là những ẩn số cần được giải mã.
Trên địa bàn Thủy Biều hiện còn vết tích của một dòng sông cổ:
“Sông Lý Nhân”?, nay đã bị bồi lấp thành một dãy ao chuôm liên hoàn với những cụm cổ thụ lâu đời có giá trị cảnh quan và khoa học.
“Nguyệt Biều - Lương Quán không xa/ Cách một con hói hóa ra hai làng. Thảm thực vật, những cụm cổ thụ và dòng sông này nếu được tôn tạo, chỉnh trang, sẽ mang lại nhiều giá trị cảnh quan trong khai thác du lịch với đầu tư thấp.
Một trong những giá trị nổi bật cuả Nguyệt Biều, Lương Quán chính là đặc sản thanh trà. Không biết từ bao giờ, trái “thanh trà Nguyệt Biều” đã trở thành một đặc sản “không nơi nào có được”. Phải chăng đây là một trong những sản phẩm địa phương từng cung ứng cho đời sống cung đình, hay một giống bưởi quý được di thực từ nơi khác đến, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng hoặc do kỹ thuật bí truyền mà Lương Quán, Nguyệt Biều cho ra một sản phẩm ưu việt đến như vậy?
Với nhận xét của những người từng đi nhiều nơi trên đất nước ta, tất cả những giống bưởi nổi tiếng khắp hai miền Nam, Bắc, từ bưởi Đoan Hùng Phú Thọ, bưởi Diễn - nay thuộc Hà Nội - bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh đến bưởi Biên Hòa, bưởi năm roi, bưởi da xanh của đồng bằng Nam bộ, không một giống bưởi nào có thể sánh với trái thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán ở Huế. Đặc điểm của thanh trà Nguyệt Biều là ngọt thanh, độ ráo vừa phải, róc vỏ và không có dư vị đắng khi uống nước sau khi ăn. Mùa Trung Thu, thanh trà Nguyệt Biều chế biến thành món nộm tôm mực dùng khai vị trong các bữa ăn không có một loại bưởi nào có thể sánh bằng.
Trải bao biến động, thăng trầm của thế cuộc, kể cả hai cuộc chiến tranh lâu dài và thảm khốc, Nguyệt Biều, Lương Quán dường như rất ít bị tác động. Diện mạo gần như nguyên vẹn bộ mặt một làng quê trù phú ven đô như thời các chúa Nguyễn vào Nam mở đất, hay khi kinh đô Phú Xuân còn ở giai đoạn vàng son. Những khu vườn xinh xắn, ngăn nắp liên tiếp kề nhau, những nếp nhà nông thôn yên bình cư ngụ trong một thiên nhiên xanh rờn hoa trái. Vườn gần như không rào. Những hàng cây xén thấp, phân định vườn nọ với vườn kia, chỉ có giá trị tượng trưng. Đường làng lát bê tông phẳng lỳ, sạch bóng. Không một chiếc lá rụng.
Mùa Xuân, cảnh quan hai làng Nguyệt Biều, Lương Quán trắng xóa màu hoa bưởi ngát thơm. Một hương thơm tinh khiết của đất trời trong tiếng ong bay từ bốn phương về hút mật. Mùa Thu, tháng Bảy, tháng Tám, những cây thanh trà trĩu quả, vươn cành phủ rợp đường làng, lủng lẳng, đong đưa trên đầu du khách. Cảnh thanh bình cứ như đời Nghiêu - Thuấn vậy. Có một cái gì đó trong kho tàng văn hóa làng quê còn được bảo lưu, vẫn hiện hữu trong nếp sống ngàn xưa của Nguyệt Biều, Lương Quán?
Tiếc thay, trái quý thanh trà nay đã thoái hóa, không còn giữ được phẩm chất của ngày xưa. So với thời vàng son, trái thanh trà giờ đây bé lại, da dẻ không còn được mỡ màng như trước, nhiều hạt và hạt to, múi cũng khô xác và mất đi khá nhiều phẩm chất vốn có. Vì sao? Rất có thể do bị lãng quên, do thiếu chăm bón, thiếu thị trường, không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người trồng và còn có thể do nhiều nguyên nhân nữa.
Nhưng dù bất cứ vì lý do gì, để cho trái thanh trà Nguyệt Biều bị thui, chột, thoái hóa cũng là đắc tội với tiền nhân. Giản đơn thôi, để có được trái thanh trà ngon ngọt là một ưu đãi của đất trời cộng với công sức nhiều đời mà không phải bất cứ đâu hễ muốn là có được. Nên chăng đã đến lúc cần có chủ trương và một chiến lược lâu dài, thỏa đáng để phục hồi giống cây quý này? Trái thanh trà Nguyệt Biều cần được các nhà khoa học quan tâm, đầu tư kỹ thuật, nghiên cứu, lai tạo, nâng cao phẩm cấp, gia tăng sản lượng, trước hết, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và thị trường du lịch địa phương. Tương lai xa hơn, có lẽ đã phải nghĩ dần đến việc phát triển giống cây quý này thành một mặt hàng xuất khẩu cao giá với thương hiệu và đẳng cấp vượt trội.
Giả thử như có một ngày, hai bờ sông Hương, từ Hải Cát, Hương Hồ, Ngọc Hồ… trở thành những Nguyệt Biều, Lương Quán mới; vào mùa Xuân, những vườn thanh trà dài hàng cây số trải bên sông đồng loạt mãn khai, để sông Hương phô diễn “hai bờ tuyết trắng” nức thơm hương bưởi, hương cau, để sông Hương thực sự trở thành một dòng sông thơm như tên gọi? Và tại sao không? Mở đầu một năm mới, người Huế nô nức rủ nhau du xuân trong ngào ngạt hương thơm, dưới bóng rợp của những thác hoa thanh trà đổ trắng sườn đồi ngả bóng trong lòng sông xanh biếc. Một “Lễ hội đón mùa hoa thanh trà” diễn ra trong những tháng Xuân khác gì “Lễ hội hoa Anh Đào” của người dân đất Phù Tang ở một chân trời phương Bắc? Một sản phẩm du lịch đặc sắc vốn vẫn nằm trong tầm tay thành phố Festival!
Một giá trị hiếm hoi khác của Thủy Biều đang bị lãng phí một cách oan uổng, đấy chính là một khu đồi đất ở cuối làng: “Động Bàu Hồ”.
Động Bàu Hồ là một dãy đồi núi đất ven sông Hương, chiều dài dọc sông khoảng gần 1000m (960), rộng 520m, cao gần 60m (57,1). Thực ra, động Bàu Hồ là một dãy núi đất liên hoàn với đồi Vọng Cảnh, ngăn cách bởi một thung lũng - nơi đặt trạm bơm của nhà máy nước Vạn Niên - thành hai khu đồi tách biệt. Riêng khu đồi Vọng Cảnh, có chiều dài dọc sông khoảng 690m, rộng khoảng 420m, cao 42m. Nếu tính hai khu đồi này trong một hình thế thống nhất, toàn khu là một dãy đồi dọc sông Hương kéo dài đến gần 2 km(2).
Khác với đồi Vọng Cảnh - trong tương quan với sông Hương - từ lâu đã là một trong những danh thắng của Huế, còn khu động Bàu Hồ trở thành một khu nghĩa địa dày đặc mồ mả! Xét về phương diện cảnh quan, khu động Bàu Hồ có tầm nhìn còn đẹp hơn khu Vọng Cảnh nhiều lần. Do độ cao vượt trội, (57m so với 42m) một phía là sông Hương, phía còn lại là một thung lũng ngăn cách với dãy đồi Long Thọ. Vì vậy, đứng trên động Bàu Hồ, người ta có thể nhìn ra bốn phía, tầm mắt hoàn toàn được giải phóng, không có bất kỳ một vật cản nào làm khuất lấp.
Từ đây, tầm nhìn phóng đến Thuận An, đến phá Tam Giang, ra đến biển. Bên kia sông là Long Hồ, Ngọc Hồ, những bờ bãi, làng mạc xanh mướt ven sông Hương. Thấp thoáng điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ và cả Thành Nội, cầu Trường Tiền. Núi Kim Phụng gần như hiện hữu trong mọi hướng, còn xa hơn, ở cuối tầm nhìn là trùng điệp Trường sơn. Đứng ở đây thấy Huế gần như nằm trong vòng tay ôm ấp của xanh biếc núi non. Về phía Bắc, bằng mắt thường có thể nhìn thấy khu công nghiệp Văn Xá, và xa hơn nữa.
Không một địa điểm nào ngắm sông Hương, ngắm Huế đẹp bằng Bàu Hồ. Nếu biết đầu tư, Bàu Hồ sẽ là một trong những danh thắng nổi bật của Huế thu hút khách du lịch, tham quan, không có nơi nào sánh kịp. Theo Nghị Quyết gần đây của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ trương quy hoạch lại hệ thống nghĩa trang trong toàn tỉnh, khu đồi quý giá này cần sớm được xem xét để dành đất cho du lịch và văn hóa.
Hiện nay, phía bờ Tây, đối ngạn, Công ty Điện Lực 3, thuộc tổng Công ty Điện lực Việt Nam đang tiến hành xây dựng một khu du lịch lớn: Khu du lịch Về Nguồn với những khu nhà sàn bằng gỗ, hy vọng sẽ giúp cho đoạn sông này của Huế có thêm sinh khí.
Xa hơn, về phía Nam, mỏ đá “Gà Lôi” cũng đang khai thác một ngọn đồi, màu đất đỏ như một vết thương lở lói đã nhiều nằm ngay bên bờ cây cỏ xanh tươi cuả sông Hương. Đứng trên núi Kim Phụng, ở độ cao 435m nhìn xuống, một số khu khai thác đá giữa bạt ngàn thông xanh đang làm cảnh quan cả vùng bị đào xới nham nhở. Đã đến lúc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và chính quyền thành phố Huế cần hướng sự quan tâm của mình đến môi trường cảnh quan thiên nhiên lưu vực sông Hương như một dạng tài nguyên quý giá có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp phát triển du lịch nếu không muốn chậm trễ.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Huế nên sớm có chủ trương quy hoạch toàn bộ khu vực với mục tiêu biến Thủy Biều thành một địa chỉ văn hóa - du lịch quyến rũ, đóng góp vào chủ trương xây dựng Huế sớm trở thành một thành phố Festival hấp dẫn của cả nước và của thế giới.
Việc xây dựng khu vực đã nêu nằm trong tổng thể xây dựng hệ thống giá trị du lịch của sông Hương, của thành phố, đang tiềm tàng trong đất đai, trong đời sống cư dân bản địa cần sớm được đánh thức và khai thác.
Không biết có cần phải nhắc lại với nhau rằng quy hoạch là một công việc dài hơi. Một chủ trương đúng, một hệ điều hành hiệu quả với nhiều công sức, tâm huyết, cũng mất khá nhiều năm tháng và tiền của mới hy vọng tiềm năng trở thành hiện thực.
Theo N.T.H
(SDB4-12) Tạp chí Sông Hương
...................................
(1) Số liệu: Website UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
(2) Số liệu “Bản đồ số hóa” của Sở Khoa học - Công nghệ Thừa Thiên Huế.
(3) Belvédère: Tên thường gọi một vòng xoay nhỏ do người Pháp xây từ dựng từ trước 1945, nay vẫn còn. Belvédère nguyên nghĩa là lầu canh, vọng lâu, vọng tháp v.v. (Từ điển Pháp Việt Đào Đăng Vỹ - Nhà sách Nguyễn Trung phát hành 1970 - trang 179).
Link to full article
No comments:
Post a Comment