(Tiếp theo)
Rồi giữa đoạn đường QL55 quanh co nhưng thưa vắng xe này, mình gặp một ngã 3.
Biển hướng dẫn không có, vậy nhưng phía trái đường lại có một hàng quán nhỏ với khoảng dăm bảy người trong đó. Ghé hỏi thì biết chạy thẳng là đi Bảo Lộc - còn rẽ trái là xuống nhà máy thủy điện Hàm Thuận.
< Đường trên là QL55, đường dưới là đường vào nhà máy thủy điện Hàm Thuận.
Ngộ nhỉ: nhà máy thủy điện Hàm Thuận nằm ngay "đuôi" hồ Đa Mi? Hóa ra từ cửa nhận nước của hồ Hàm Thuận, nước được dẫn trong ống xuôi về đây để chạy tuốc bin máy phát và xả xuống hồ Đa Mi. Đa Mi lại tích nước ở đầu này, tới đầu kia thì lại được dẫn vào ống của nhà máy thủy điện Đa Mi làm ra điện lần nữa rồi xả ra thượng nguồn sông La Ngà chảy về La Ngâu.
< Những bông cỏ lau phất phơ trong gió bên phải đường...
Do La Ngâu vẫn còn lợi thế tích nước nên người ta lại dự tính làm một nhà máy thủy điện hoặc hồ thủy lợi... mà bài trước mình đã đề cập đến. Làm thủy điện vẫn tốt thôi, vẫn ích nước lợi nhà nếu biết dung hòa giữa chuyện "được gì" và "mất gì", và chắc chắn là không thể đánh đổi bằng mọi giá.
< Một đoạn bị lở trong cơn bão số 1 vài tháng trước, nay đã được khắc phục.
Tiện đây, mình sẽ nói qua về QL55: Con đường quốc lộ mang số 55 này khỏi nguồn từ Bà Rịa - Vũng Tàu chạy qua thị trấn Long Điền, thị trấn Đất Đỏ, thị trấn Phước Bửu, Bình Châu... cho đến thị xã La Gi.
< Biểu hiện của sự văn minh chỉ thể hiện qua con đường nhỏ láng nhựa và hàng cột điện lưa thưa bên trái.
Từ đây: đường rẽ ngoặc về hướng Bắc cho đến thị trấn Tân Nghĩa sẽ giao nhau với con đường "xương sống" là QL1. Ở điểm này, nếu trở ngược về hướng Tây khoảng 11km thì gặp điểm giao kết thứ 2 của QL55 tại thị trấn Tân Minh...
< Bản hướng dẫn sắp đến một ngã 3: rẽ phải là vào một phần của nhà máy thủy điện Hàm Thuận (Cửa nhận nước). Lúc này trời không còn nắng nữa do có nhiều mây.
Từ Tân Minh: QL55 sẽ chạy ngang xã Suối Kiết, xã Gia Huynh, thị trấn Lạc Tánh, xã La Ngâu và đến Đa Mi. Tại Đa Mi, QL55 trở thành đèo Lộc Nam, vượt xã cùng tên, vượt xã Lộc Thành đến điểm cuối gặp QL20 đoạn thành phố Bảo Lộc.
< Một đoạn lở nặng phải dừng xe đôi chút để chờ xe ủi trống khoản đất đá. Đầu bên kia có một chiếc 4 bánh và một xe gắn máy, bên này là bọn mình.
< Quang cảnh đẹp như tranh với con đèo Lộc Nam ngoằn ngoèo.
Tổng chiều dài của đường là 229 km, đây chính là con đường kết nối 3 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng... nhưng đặc biệt: QL không liền lạc mà có một đoạn cách khoảng từ Tân Nghĩa đến Tân Minh (do khúc này là QL1).
< Ngoái ngược nhìn lại phía xa xa là hồ Đa Mi: mờ mờ tỏ tỏ trong khung cảnh huyền ảo.
< Cảnh đẹp quyến rũ níu chân người lữ khách phương xa. Bên trái là vực sâu còn mé phải là vách núi sừng sững, lở một phát là mình "đi Tây" luôn.
< Mình gặp cái lán nhỏ gần ngã 3, trong đó có vài cô gái đưa mắt nhìn lạ lẫm...
< Chưa vội về Bảo Lộc, mình rẽ phải vào cửa xã thủy điện.
Lại bàn trở về chuyến đi: từ khi rời ngã 3 nhà máy thủy điện Hàm Thuận trở đi thì chạy hàng chục cây số vẫn không thấy nhà cửa nào cho đến lưng chừng đèo Lộc Nam, đoạn giáp hồ thủy điện Hàm Thuận thì mới thấy lác đác một ít nhà cửa. Trên đèo có đường lên chùa Quan Âm: giữa khung cảnh tĩnh mịch nhìn xuống lòng hồ, người lữ khách sẽ cảm nhận được cảnh đẹp khó tả tại nơi đây...
< Cửa xã hồ Hàm Thuận là đây: nước vào cửa, theo ống to dẫn xuống đầu hồ Đa Mi. Thấy bảng cấm nên mình không vô sâu hơn nữa.
< Tại đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một góc nhỏ của hồ Hàm Thuận. Chỉ một góc nhỏ thôi vì hồ này rộng lắm, có nhiều mũi và đảo che chắn. Vị trí nơi này ở đây.
< Trở ra, "nửa kia" chộp ngay ở một góc ảnh hay hay.
... Gọi là đường nhưng ký thực thì nhiều đoạn không khác gì đèo, kể cả đoạn từ xã La Ngâu. Đường được láng nhựa, một số đoạn trông như đất đỏ nhưng những chổ này vẫn là đường nhựa - đất chỉ do các vạt núi lở xuống đường nhưng không thể dọn sạch hết thôi. Đi đoạn đường này, bạn sẽ mãn nhãn với khung cảnh rừng núi bao la tuyệt đẹp xung quanh nhưng nhớ kiểm tra xe và xăng trước nhé: sẽ không có chổ đổ xăng hay sửa vá gì đâu.
< Một phần khác của hồ thủy điện Hàm Thuận, đoạn này đã có lác đác nhà nhưng không nhiều.
< Vài bé đứng bên đường rong chơi và trông em. Đây là chổ lở đất và người ta cho máy ủi phần đất lở xuống vực.
Chạy miết hồi lâu trên đèo rồi thì thấy thấp thoáng nhà cửa, ấn tượng nhất là ngay ngã 3 đường vào hồ thủy điện Hàm Thuận. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi nằm trên lưu vực sông La Ngà thuộc lưu vực sông Đồng Nai...
< Hết nhà thì đường lại vắng lặng, bấy giờ đã là 4h13 phút.
< Tiết trời lúc này hanh hanh lành lạnh do mặt trời ẩn nấp sau những đám mây đen. Vả lại cũng sắp đến Bảo Lộc rồi mà: ở đây cao hơn mực nước biển tầm 1000m nên nhiệt độ giảm.
... Hồ chứa của thủy điện Hàm Thuận nằm trên 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận với diện tích mặt thoáng ở mực nước dâng bình thường (+605 MSL) khoảng 25,2 km². Hồ chứa thủy điện Đa Mi là hồ chứa điều tiết ngày, là bậc thang dưới của Nhà máy Hàm Thuận. Hai nhà máy cách nhau khoảng 10km. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200 km.
< Điền Gia Dũng nhà ta đây...
< Còn đèo Lộc Nam thì vẫn thía này...
Nhà máy thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW được khởi công xây dựng vào năm 1997, đưa vào vận hành vào năm 2001. Cũng như Nhà máy thủy điện Hàm Thuận, Nhà máy thủy điện Đa Mi gồm 2 tổ máy với công suất là 175MW. Đây là 2 nhà máy có thiết bị công nghệ hiện đại, xuất sứ từ Nhật Bản, Mỹ, Canađa, Italia…
Thông số chính của nhà máy thủy điện Hàm Thuận như sau:
Hồ chứa:
Mực nước dâng bình thường: +605 MSL
Mực nước chết: +575 MSL
Dung tích toàn bộ hồ: 695 106m3
Dung tích hữu ích: 523 106m3
< Một chổ lở ăn vào lòng đường, sát mí kè bê tông.
Đập:
Bao gồm 01 đập chính và 04 đập phụ;
Đập chính:
Loại: đá đổ, lõi giữa chống thấm
Chiều cao: 93.5 m
Cao trình đỉnh: +609.5 MSL
Chiều dài theo đỉnh đập: 686 m
Các đập phụ đều là loại đập đất đồng chất.
< Bất chợt nhìn thấy một dãy lán trại, nơi người ta rửa xe ben chở đất bằng vòi nước. Nước có sẳng từ núi cao, dẫn ống xuống để xài thôi - xe ben dính đất cát tha đi tùm lum: CSGT phạt "lòi phèo".
< Trên nhiều đoạn ở QL55: người ta hay vạt núi như thế này. Do lở hay lấy đất làm nhà?
< Đột nhiên, mình thấy một nhà thờ nhỏ, xinh xắn phía bên phải đường - trông mới tinh khôi.
< Hai học sinh trên đường về nhà.
Một huyền thoại về hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi được người địa phương truyền tụng qua nhiều đời:
< Người ta bán một ít đặc sản của rừng ven đường. Do còn đi quá xa chứ không thì mình mua ủng hộ ít trái bơ.
Chuyện kể về tình yêu và sự chung thủy của nàng K- Mi và chàng K-TàPung đã đưa đến một biến cố kì dị của tự nhiên tạo ra dòng sông, hồ nước nằm trên thung lũng núi non trùng điệp của huyện Hàm Thuận Bắc và từ đó mới có tên địa danh như sông ĐạMi, hồ ĐạMi, núi TàPung. ngày nay gọi là hồ ĐaMi hay Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi)
< Vào địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Ngày xưa, chỉ biết cách đây từ lâu lắm, tại vùng đồi núi huyện Hàm Thuận Bắc tiếp giáp với huyện Tánh Linh. Nơi đây rừng rú hoang vu, trùng trùng điệp điệp, chưa từng có tên tuổi. chưa một ai đến đây ngoài hai buôn làng người dân tộc K-Ho sinh sống.
Buôn làng La Ngâu sinh ra chàng trai tên K.TàPung lực lưỡng, khôi ngô tuấn tú, chàng trai có tài săn bắn, cứ mỗi lần vác ná vào rừng đều mang về những con thú to lớn. Một hôm, chàng bắn con nai bị thương, nó chạy tận vào rừng sâu. Lo cho dân làng không có cái thịt để sống, nên chàng đã cố đi tìm cho bằng được. Chàng theo vết máu, đi mãi, băng qua biết bao là đồi núi, thác gềnh mà vẫn tìm chưa ra con vật. Chàng lạc sâu trong rừng rậm, sức cùng lực kiệt nên chàng mê man bất tỉnh giữa núi rừng...
< Người ta hay bạt núi để xây nhà như thế này, xem ra cũng ớn cảnh núi lở.
... May thay, lúc đó có nàng con gái tên là K-Mi xinh đẹp, con của già làng LaDạ vào rừng hái rau bắt gặp, vốn giàu lòng thương người, nàng vội đi tìm thuốc để cứu chàng. Thấy chàng trai tuấn tú khôi ngô, nàng K-Mi đem lòng yêu thương.
< Hết đèo nhưng vẫn còn các khúc quanh thật đẹp...
Lúc này mình nẩy ra ý định chạy về Di Linh luôn nhưng 'nửa kia' cản: "ông này hôm nay sung dữ á".
Nhưng luật lệ hà khắc cấm không cho trai gái của hai buôn làng quan hệ lẫn nhau, người làng này lạc vào lãnh thổ của làng kia, đều bị bắt đánh đập và đưa lên giàn hỏa thiêu chết...
< Địa phận xã Lộc Nam.
... Tình yêu của hai người ngày khắn khít hơn nhưng luật lệ của buôn làng hà khắc nên họ bỏ trốn vào trong rừng sâu làm ngôi nhà trên ngọn cây cao và hằng ngày K-Mi mượn cớ hái rau, bẻ măng để cùng chung sống với chàng. Những chàng trai trong làng để ý theo dõi và biết được tình tiết sự việc, họ đem lòng ghen tuông rồi mách bảo với cha nàng. Người cha giận dữ, huy động cả dân làng vào rừng vây bắt K-TàPung...
< Trường tiểu học Lộc Nam A.
< Và khu thị tứ Lộc Thành. Định ghé vào làm món gì đó nhưng chưa đói, thôi về Bảo Lộc làm bữa chiều luôn.
... Hai người dắt nhau chạy trốn, nhưng không sao thoát được. Ktapung bị bắt đem về đưa lên giàn hỏa thiêu, nàng khóc lóc van xin thảm thương nhưng đều vô dụng. Với lòng chung thủy, nàng lao vào giàn hỏa thiêu ôm chặt K-Tàpung để chết cùng chàng.
< Chỉ 10km nữa sẽ đến thành phố mù sương Bảo Lộc.
Kỳ lạ thay, nàng cứ dính chặt vào K-TàPung mà không ai có thể gỡ ra được. Cha nàng vì giận giữ châm lửa thiêu cả con gái của mình.
Lúc đó mây đen từ đâu cuồn cuộn đến, bầu trời tối sầm, mưa trút xuống như thác đổ làm ngọn lửa tắt biến.
< Cuối cùng cũng giáp mặt QL20, mình rẽ trái ngược vào thành phố.
Tiếng sấm sét long trời lở đất, gió rít từng cơn dữ dội, cây rừng, nhà cửa đổ sập, mọi người khủng khiếp chạy tán loạn. Cơn mưa kéo dài từ ngày này sang ngày khác, nước đổ ào ào cuốn phen cả cây cối, núi đồi. Tiếng va chạm của đất đá từ núi cao lăn xuống cùng với tiếng sấm chớp làm rung chuyển cả núi rừng, con nước đục ngầu, sôi sục, giận dữ, xé toang vách núi.
< Hồ Đồng Nai tại Bảo Lộc. Chạy quanh co một hồi để kiếm phòng nghỉ, rồi cũng xong.
Dân làng khủng khiếp, cầu xin Giàng tha tội và họ nghe tiếng phán từ trên trời rằng "Các ngươi không được chia rẽ hạnh phúc họ, vì đó là ý nguyện của ta. Từ đây phải đoàn kết, thương yêu, không được chém giết lẫn nhau nữa". Tiếng nói vọng xuống mặt đất, rền vang cả núi rừng...
< Bữa chiều đây: Hoành thánh gõ, chỉ 13k/tô khá... ngon (chắc do đói rồi), sau đó là mấy cái bánh xèo lớn (15k/cái), giòn và ngon tuyệt cú mèo. Bánh xèo ở đây cũng ăn kèm bánh tráng như tại Madagui.
... Ngay lập tức mưa tạnh, bầu trời sáng rạng, mọi người mừng vui hớn hở, ngạc nhiên trước cảnh vật rừng núi thay đổi một cách kỳ lạ, dòng nước rộng lớn đục ngầu cuồn cuộn chảy. Dân làng La Ngâu vui mừng khôn xiết, họ kéo nhau đến làng La Dạ, làm lễ giết trâu để ăn mừng, kết tình anh em và cho phép chàng K-TàPung và nàng K-Mi tác hợp thành vợ chồng.
< Chạy loanh quanh gặp hai ông Tây phượt bằng Win100. Chơi lòng vòng một đỗi thì dính trân mưa lớn, núp mái hiên chờ tạnh mệt xỉu, mất gần cả tiếng đồng hồ vàng bạc, tiếc...
Từ bấy giờ, thuở nguyên sơ là một khe suối nhỏ nay trở thành dòng sông to lớn chảy cuồn cuộn. Người ta bèn đặt tên cho dòng sông bằng cách ghép tên nước và tên của nàng lại thành một (Đạ có nghĩa là nước) để tưởng nhớ về sự kiện lịch sử này. Vậy là dòng sông có tên là Đạ Mi (Người Kinh phát âm là ĐaMi) và cũng là tên của địa danh cho đến ngày nay.
Ngày nay, sông Đa Mi đã được công trình thủy điện khai phá rộng lớn thành hồ chứa nước phục vụ cho nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Nhìn ngọn núi TàPung cao to sừng sững, chân núi như một thành trì vững chắc ôm ấp lòng hồ Đa Mi, bóng in xuống mặt nước phẳng lặng. Đó là biểu tượng về tình yêu và sự chung thủy của họ.
Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 -
Link to full article
No comments:
Post a Comment